Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

TÔI BỊ VIÊM GAN C

Tôi xin anh Tánh đăng lại bài này theo như :" Mục đích của người viết bài nầy là để gây thêm chú ý (awareness) của cộng đồng chúng ta về căn bệnh nguy hiểm nầy. Tôi là một trong những "cựu chiến binh" viêm gan C may mắn, đang được hưởng hạnh phúc bên gia đình cùng vợ và hai con thân yêu của tôi. Sau cơn mưa trời lại sáng. Trải qua những "khổ nạn" như vầy, tôi thấy mình trưởng thành hơn, nhất là trân quý cái gia đình tôi đang có"


Tiếng điện thoại reo vang, theo thói quen tôi nhấc điện thoại lên sau tiếng reo thứ nhì. "Hello, xin lỗi ai ở đầu dây đó?" tôi hỏi. Bên đầu dây bên kia cho biết là bác sĩ M.M. Ông gọi cho tôi để yêu cầu tôi ngưng uống thuốc trị tiểu đường Actos vì Actos không thích hợp cho người bị bệnh viêm gan, và nó đã có phần nào tác hại cho gan. Kết quả thử máu lần nầy của tôi cho thấy là hai chất men gan ALT và AST của tôi lên khá cao. Như vậy chức năng gan của tôi có vấn đề. Tôi được bác sĩ gửi đi thử nghiệm thêm về gan lần nữa, và kết quả cho biết là tôi bị viêm gan C (hepatitis C). Khi nghe qua, tôi cũng hoang mang, lo lắng và không biết nặng nhẹ cỡ nào. Đó là mùa hè năm 2001. Tôi được giới thiệu một bác sĩ nội khoa (internal medicine) có chuyên ngành về đường ruột và bao tử (gastroenterology). Ông nầy không ai xa lạ là vị bác sĩ tôi đã tín nhiệm trong 8 năm qua. Theo hồ sơ của văn phòng bác sĩ nầy thì tôi đã được chẩn đoán là trong gan tôi đã có vi khuẩn (virus) C từ năm 1994, nhưng không biết lá gan của mình đang ở giai đoạn nào. Đây là một điển hình vì tôi thiếu kiến thức căn bản, tánh mạng mình có thể không được an toàn. Tôi hoàn toàn không có một ký ức nào về dữ kiện nầy và tôi cũng không nhớ là bác sĩ có khuyên dặn gì tôi không. Bác sĩ tôi cũng không căn dặn kiêng cử gì hết, và cũng không khuyên tôi nên theo dõi hàng năm bằng cách thử máu. Vì không hiểu rõ sự tác hại của chứng bệnh này nên tôi đã để 8 năm âm thầm lặng lẽ trôi qua.


Thời gian cứ mãi trôi dần, tôi vẫn cứ "lai rai" một ly, hai ly... mỗi cuối tuần sau vài tiếng đồng hồ chơi quần vợt với bạn bè. Sau khi khám phá lần thứ hai về bệnh viêm gan C, tôi đã đổi qua bác sĩ khác. Khi nghe tôi bị viêm gan C, cậu em vợ (Nguyễn Hải Tuấn, bác sĩ giải phẫu) và vợ của cậu ta (Nguyễn Thùy Anh, bác sĩ gia đình), đều có khuyên tôi nên lo trị liệu bằng thuốc tây càng sớm càng tốt vì Thùy-Anh đã từng chữa trị cho một số bệnh nhân bị viêm gan C. Trong thời gian trị liệu của tôi, Ba Mẹ vợ của tôi giúp "trông em bé bị bệnh" trong lúc bà xã tôi lo đi "kiếm cơm"; vợ chồng cậu em vợ là N.H. Tuấn và Thùy-Anh cũng luôn thăm hỏi, và sẵn sàng đến khám nghiệm khi cần đến, và cố vấn tôi về kiến thức và thủ tục y khoa. Tôi còn nhớ rõ ngày đầu tiên, Thùy-Anh có lời khuyên "cảnh báo" với tôi rằng: "Từ rày trở đi, tuyệt đối anh không được uống một giọt rượu nào cả!" Sau đó Thùy-Anh có phân trần là vì lo cho tôi nên có những lời như thế, mong tôi đừng giận. Tôi thực sự ghi tâm về lời khuyên của Thùy-Anh nên tôi quyết định "dứt sửa" cái tật "lai rai" kể từ ngày đó cho đến nay vì "sức khỏe là vàng", có tiền cũng không mua được. Tôi thật sự thấm thía về câu nầy nên trong hai năm dài lo chạy chữa đủ mọi loại thuốc. Ai mách gì tôi cũng thử ít nhất là 3 tháng, xong rồi đi thử máu xem có khả quan gì không. Giai đoạn dùng thuốc phương đông đã kéo dài trong 18 tháng nhưng không có kết quả. Do đó tôi đành phải quyết định sự chữa trị bằng thuốc tây; chuẩn bị tinh thần để bước vào chông gai mà tôi đã cố tránh né trong một thời gian dài.


Học được bài học "bệnh của mình, mình không lo thì ai lo cho mình đây", ngay cả bác sĩ của mình cũng chưa chắc gì lo chu đáo cho mình. Có chút kiến thức về máy vi tính, chút ít hiểu biết về cách tìm kiếm thông tin, tin tức trên mạng lưới Internet, tôi đã bỏ ra hằng trăm giờ để tìm hiểu thêm về bệnh viêm gan C, như nó từ đâu ra, nó lây lan như thế nào, sức tàn phá của nó nhanh hay chậm, mãnh liệt hay âm thầm mà giết người không hay, v...v.


Lúc đầu tôi nghĩ là chỉ có một loại vi khuẩn viêm gan C thôi, nhưng quý vị có biết là có bao nhiêu loại (genotypes) không? 11 loại chính, và tổng cộng là 22 loại kể cả loại phụ, mỗi loại có đặc tính riêng của nó. Xuất xứ của chúng là từ những quốc gia rải rác trên khắp hoàn cầu. Sự lây truyền chính của nó là từ máu qua máu. Những cách bị lây truyền thường xảy ra là dùng chung kim như cách chích ma túy, cần sa, hoặc dụng cụ y khoa không được khử trùng (như ở Việt Nam trước đây thường dùng một kim chích cho nhiều người khác nhau), hoặc từ mẹ truyền cho con trong lúc sanh nở, hoặc hiếm hơn là qua dao cạo, kéo cắt da tay, hoặc truyền máu có vi khuẩn (việc nầy rất hiếm vì sau khoảng 1994 các cơ quan nhận hiến máu dùng kỷ thuật tân tiến để loại ra được vi khuẩn viêm gan C).


Sau khi biết được phương pháp trị liệu bằng thuốc tây sẽ gây ra nhiều phản ứng phụ như vậy, tôi đành phải quay trở về phương pháp trị liệu mà đa số đồng hương ta đều ưa chuộng, đó là thuốc bắc và thuốc nam. Bác tôi ngày xưa cũng là một danh y thuốc nam ở thành phố Long Hoa, Tây Ninh. Mỗi hè về thăm Nội, Ngoại, gia đình tôi cũng đều ghé thăm bác, và mỗi lần như thế tôi được "thưởng" chừng 20 đến 30 thang thuốc nam. Nhờ đó mà tôi uống thuốc nam họăc thuốc bắc như uống "cà phê"; nó chỉ "dỡ" hơn cà phê Starbucks thôi!


Tôi đã uống thuốc nam và thuốc bắc của 3 vị thầy ở thành phố Little Sàigòn và một danh y ở Việt Nam, ở những thời điểm khác nhau. Sau 12 tháng rồng rã, người uống thuốc như uống cà phê bắt đầu sợ mùi thuốc. Con bệnh sợ thuốc là sự đương nhiên, vậy mà người nấu thuốc cũng sợ luôn. Mỗi ngày bà xã tôi xử dụng loại nồi nấu thuốc bắc bằng điện và tự động tắt khi cạn vừa đủ để uống, nấu và ngửi mùi thuốc mãi "nàng" cũng sợ luôn.


Sau 12 tháng dài vật lộn với những chén thuốc bắc mà tôi hay gọi đùa là "cà phê" cữ sáng và cữ tối, và 6 tháng nhai những "viên kẹo" thuốc tể khó nuốt, nhưng số vi khuẩn mỗi ngày mỗi tăng thêm. Thấy tình trạng của mình không mấy khả quan, tôi quyết định lấy toa bác sĩ đã cấp cho tôi lâu rồi để mua thuốc chích Pegasys và thuốc uống Ribavirin. Lúc đó là tháng 5, 2003, thuốc còn tương đối mới và vì do một hãng độc quyền nên khan hiếm, do đó thường phải đợi từ một tuần, có khi đến cả tháng mới có thuốc.


Sau hai tuần đặt mua, thuốc đã về đến thì một sự kiện rất lý thú xảy ra. Tôi tình cờ gặp một cậu em quen ở đối diện nhà, cùng đến hốt thuốc bắc của một ông thầy ở Anaheim như tôi. Cậu ta cho biết là mẹ của cậu cũng được chẩn bệnh là có vi khuẩn viêm gan C, nhưng nhờ uống thuốc của một ông thầy ở Mỹ Tho, Việt Nam, bây giờ khỏi bệnh rồi. Như người chết đuối vớ gặp cái phao, tôi tức thì chạy về nhà của cậu em, gặp mẹ cậu là bác Mười để xin số điện thoại và địa chỉ của ông thầy ở Việt Nam. Cũng trong thời điểm nầy, một tình cờ nữa là nhạc mẫu của tôi cũng mới quen biết được một ông dược sĩ trong nhóm tu thiền cũng "được" chữa hết bệnh do cùng một ông thầy ở Mỹ Tho. Tuy nhiên, sau đó không lâu thì nhạc mẫu tôi cho hay là ông dược sĩ đó đã qua đời; có lẽ ông ta ỷ y là bệnh mình hết rồi nên không theo dõi kỹ bệnh trạng của mình, nhưng các con vi khuẩn HCV vẫn luôn âm thầm tiêu diệt lá gan của ông mà ông không hay. tiến bước trên bước đường xâm lăng của chúng như bọn Cộng Sản nằm vùng. Một lần nữa, tôi và vợ tôi sẵn sàng xếp số thuốc tây, đã mua đủ dùng trong 3 tháng trị giá $6,000.00, vào tủ lạnh.


Thế là tôi tức tốc gọi về cho gia đình của tôi ở Cần-Thơ để chạy lên Mỹ Tho hốt thuốc cho tôi. Thật là may cho tôi là bác Mười có người con đi Việt Nam chơi và sắp quay lại Los Angeles. Đi từ cái may nầy đến cái may khác, trong vòng hai tuần là tôi có được thuốc từ Việt Nam đủ để uống cho 4 tháng đầu. Đây là những viên thuốc tể, mỗi viên được làm bằng tay và bọc bằng bao ni-long thật là công phu. Đặc biệt là ông thầy nầy quý những viên thuốc của mình làm ra nên không thích cho gia đình mình gửi thuốc bằng bưu điện vì lỡ bị mất thì ông ta tiếc lắm. Lúc đầu tôi tưởng bở, nghĩ rằng thuốc tể nầy có lẽ cũng giống như những viên thuốc tể ngày xưa mà tôi ăn ké với Mẹ hoặc Ngoại. Có ai ngờ đầu, mỗi tuần là một gói khác nhau, có gói khó nhai, khó nuốt gấp 10 lần uống một chén thuốc bắc. Thêm vào đó, mỗi hai hay ba tuần phải uống thuốc xổ do ông đặc chế, để xổ chất độc ra. Mỗi lần xổ là mỗi lần tôi đau oằn oại, toát mồ hôi hột, và cơ thể lạnh cóng như nằm trong phòng ướp lạnh vậy.


Theo thông lệ, cứ uống thuốc được 3 tháng là tôi xin giấy bác sĩ đi thử nghiệm máu. Kết quả thật là khả quan và khích lệ! Chất men gan ALT và AST của tôi trở lại bình thường, và số vi khuẩn trong máu (viral load) tôi tuột xuống hơn 95%, số vi khuẩn đã giảm từ 14,000,000 còn 800,000 trong một mili-lít máu. Đối với tôi, cả hai kết quả về men gan và số lượng vi khuẩn đều quan trọng. Mỗi 3 tháng thử nghiệm máu, tôi đều xin bác sĩ cho làm thử nghiệm RNA để biết được số lượng vi khuẩn đi lên hay đi xuống. Tuy nhiên mỗi lần thử nghiệm loại nầy nó tốn khoảng $200-$300, và mất khoảng 7-10 ngày mới nhận được kết quả của loại thử nghiệm nầy. Theo kinh nghiệm bản thân, bác sĩ đầu tiên của tôi không đá động gì đến việc thử nghiệm kể trên. Được tin vui trên, cả nhà tôi ở Việt Nam và bên vợ tôi ở Nam California và Texas đều mừng chảy nước mắt. Tinh thần tôi lúc lên cao như diều gặp gió vậy. Vì kết quả quá khả quan trong 3 tháng đầu, nên dù thuốc có đắng hay đau đớn khi xổ độc đến đâu, tôi cũng phải cố gắng hết sức mình. Các cụ xưa có nói "thuốc đắng giã tật". Tôi tiếp tục thêm 3 tháng gian truân nữa, và tôi lại đi thử máu một lần nữa. Nhưng than ôi! kết quả thử máu lần nầy làm cho mọi người đều bí xị. Tin vui của 3 tháng trước đột nhiên tan biếng như bọt biển. Số vi khuẩn kỳ nầy vọt từ 800,000/ml lên tới 6,000,000/ml. Thế là tôi quyết định lôi đống thuốc tây đã mua cách nay 6 tháng để thử một cuộc hành trình mới. Bà xã tôi nghe tôi kể những biến chứng và các phản ứng phụ, cô ta không muốn thấy tôi bị hành xác như vậy. Nhưng tôi quan niệm là còn nước thì tôi còn tát nên "nàng" cũng đành chìêu lòng tôi,


Trước khi bác sĩ quyết định "cấp passport" cho bạn "đi thám hiểm", thông thường một số bác sĩ muốn bạn làm thêm hai thủ tục y khoa nữa. Thủ tục y khoa thứ nhất là đâm kim lấy mẫu tế bào trong gan (liver biopsy) để biết tình trạng của lá gan của mình ở thời kỳ thứ mấy và giai đoạn nào. Thủ tục nầy được làm tại bệnh viện vì chỉ có bệnh viện mới có đầy đủ vật liệu và dụng cụ y khoa để phòng khi bị xuất huyết nội tạng. Mẫu thử nghiệm tế bào gan của tôi cho biết là tôi bị sơ gan (fibrosis). Tình trạng xơ gan của tôi là thời kỳ thứ 3 (trong 4 thời kỳ). Sau sơ gan là chai gan (cirrhosis), và nó cũng có thể trở thành ung thư (cancer). Thủ tục y khoa kế tiếp là làm siêu âm (ultrasound) ở phần bụng (abdomen) để xem gan và những bộ phận khác có gì bất bình thường không. Sau khi đọc các kết quả thử nghiệm về y khoa, bác sĩ cho tôi biết là trường hợp tôi vẫn còn nhiều hy vọng lắm, và tuổi tôi vẫn còn "gân" để có thể "thoát hiểm" để tìm lại cuộc sống bình thường.


Thời gian thật vô tình và có khi thật tàn nhẫn vì nó đi qua nhưng không bao giờ trở lại. Đáng lẽ tôi phải xử dụng thuốc Pegasys và Ribavirin vào cuối tháng 12, 2003, nhưng vì tháng Mười Hai, tháng Giêng, và tháng Hai có những ngày lễ lớn như mùa Giáng Sinh, tết Dương Lịch, rồi đến tết Âm Lịch. Tôi muốn cùng gia đình có được những ngày lễ vui vẻ bên gia đình để sau đó đối diện với những khó khăn đang chờ đợi chúng tôi trong những ngày sau đó. Ngay sau tết Âm Lịch, tôi thật sự sẵn sàng để lên đường "đi chinh chiến", tiêu diệt kẻ thù vi khuẩn viêm gan C.


Cuộc hành trình quả thật đầy chông gai và nước mắt. Nó kinh hoàng và rùng rợn hơn trí tưởng tượng của tôi. Vì mình chưa bao giờ trải qua những thử thách mới nầy nên không ai có thể nào chuẩn bị được tinh thần cho đầy đủ để đối phó với những khó khăn. Đúng là "đoạn đường ai có qua cầu mới hay". Cả hai vợ chồng chúng tôi đều trải qua những ngày tháng thật căng thẳng (stress) và lo rầu (depression) và phải uống thuốc để giảm bớt bệnh lo rầu nầy. Các con tôi, 10 tuổi và 8 tuổi, biết cha mình bị bệnh nhưng không lớn đủ để hiểu tại sau cha mình suốt ngày cứ nằm trên giường, rủ đi đâu cũng lắc đầu nguầy nguậy.


Trường hợp tôi thì thuốc chích, thuốc uống, và các phản ứng phụ vật tôi tơi tả "không còn manh giáp". Tôi bị gần như 95% các phản ứng phụ mà tôi đã đọc thấy trên Internet. Đơn cử như û, nhức đầu, tiêu chảy, biếng ăn, mất ngủ tóc rụng (có người chỉ bị tóc mỏng và thưa), mất hồng huyết cầu và bạch huyết cầu, chóng mặt, ói mửa, sụt cân, gắt gỏng, chán đời muốn tự tử, không còn sức để làm việc dù nhẹ tới đâu, v..v. Mỗi lần lên cầu thang ở nhà, có lúc tôi như muốn bò mới có thể lên lầu được. Sau nầy bà xã tôi phải "dưng cơm hầu nước" ngày ba bữa cho "ông ấm".


Đi được hơn nửa đường, tôi quá mệt mõi và muốn bõ cuộc, do đó bác sĩ tôi khuyên nên nghỉ đỡ một tuần và sau đó hãy quyết định lại. Một tuần không tiêm thuốc, không uống thuốc, tôi thấy có thêm sức lực hẳn hoi. Sau nầy mới khám phá ra thuốc Pegasys và Ribavirin làm giảm hiệu lực của thuốc tiểu đường. Do vậy, số lượng đường trong máu cứ từ từ mà leo thang. Con số nầy hoặc quá thấp hoặc quá cao quá cũng có thể đưa tôi đến trường hợp bị hôn mê vĩnh viển (coma).


Thương vợ thương con, tôi quyết định tiếp tục cho hết cuộc hành trình để tìm lại hạnh phúc của gia đình trong tương lai. Nhờ Trời Phật phù hộ, hai lần thử nghiệm máu sau mỗi 3 tháng điều trị đều không phát hiện được (undetectable) vi khuẩn HCV. Giới y khoa không dùng từ ngữ "tiêu diệt" hay "diệt trừ" vi khuẩn viêm gan C, mà chỉ dùng từ ngữ "không phát hiện" (undetectable) vì rất khó để trừ khử vi khuẩn viêm gan C. Vì không phát hiện và diệt trừ chúng được, do đó chúng nó có thể trở lại rất mau chóng và bất cứ lúc nào. Bác sĩ cũng cho biết là chúng nó có thể "tái xuất giang hồ" khoảng 20% đến 40%. Do đó tôi phải trở lại tái khám và làm thử nghiệm máu mỗi tháng một lần trong vòng sáu tháng. Sau đó, cứ mỗi sáu tháng lại thử nghiệm máu với hy vọng là chúng không trở lại, trong vòng 3 năm. Nếu chúng tái xuất hiện, tôi lại phải dùng thuốc giống như lúc đầu, có nghĩa tôi phải trở lại địa ngục trở trong 6 tháng nữa.


Sau đây là một số websites tôi biết, hy vọng sẽ giúp các bạn tìm hiểu, trao đổi, hay chia xẻ cùng với những người khác đang mắc phải bệnh viêm gan C như bạn:


Tìm hiểu về Viêm Gan C


http://www.merckengage.com/common/ms_transition.aspx?WT.mc_id=MESOURCE&MTD=1


http://www.hepquest.com/




Các Nhóm Hỗ Trợ Tinh Thần Viêm Gan C



http://www.hepnet.com/support.html


http://www.hepcvets.com/


Mục đích của người viết bài nầy là để gây thêm chú ý (awareness) của cộng đồng chúng ta về căn bệnh nguy hiểm nầy. Tôi là một trong những "cựu chiến binh" viêm gan C may mắn, đang được hưởng hạnh phúc bên gia đình cùng vợ và hai con thân yêu của tôi. Sau cơn mưa trời lại sáng. Trải qua những "khổ nạn" như vầy, tôi thấy mình trưởng thành hơn, nhất là trân quý cái gia đình tôi đang có. Nếu bạn mắc chứng bệnh nầy, bạn không phải là một "chiến sĩ cô đơn" đâu. Những người cùng cảnh ngộ của bạn đang sẵn sàng chia xẻ với bạn, và những cựu chiến binh như tôi sẵn sàng hỗ trợ tinh thần cho bạn và gia đình của bạn để chiến đấu cho đến khi bạn thắng con vi khuẩn HCV hiểm độc nầy. Rồi một ngày nào đó bạn cũng sẽ trở thành một "cựu chiến binh" như tôi, và nối tiếp truyền thống người đi trước giúp đỡ người đi sau. Nếu có cơ hội và điều kiện, tôi mong muốn được tiếp tay với các "cựu chiến binh" viêm gan C thành lập "Nhóm Hỗ Trợ Tinh Thần Viêm Gan C" tại Little Sàigòn cho đồng hương Việt Nam chúng ta.


Tôi sẽ tiếp tục theo dõi những tin tức mới về viêm gan C để chia xẻ cùng quí vị trong tương lai. Chúc tất cả quí vị thật nhiều sức khỏe và thân tâm an lạc.


Tôi xin cám ơn các BS Đặng Phi Long chuyên khoa bao tử và đường ruột, BS Nguyễn Thanh Thùy chuyên khoa gia đình & trẻ em, BS Mạnh Quang Minh chuyên khoa về tiểu đường, BS Dương Hồng Tạo chuyên khoa tim mach, và toàn thể nhân viên của các văn phòng BS kể trên đã tận tình giúp đỡ tôi.


Tôi xin chân thành cảm ơn quí Thầy, Cô, đồng môn, các thân hữu của các hội đoàn bạn gần xa, hội Liên Trường THVN, các bạn cùng sở, và đặc biệt là nhóm "lai rai" tennis của tôi. Các bạn đã gửi thư, gọi điện thoại, và ghé đến nhà thăm hỏi, an ủi, và nâng đỡ tinh thần của tôi trong những tháng ngày thật cam go.


Sau hết, tôi xin mượn những dòng chữ chân thành nầy để cám ơn người vợ hiền của tôi; người lúc nào cũng khuyến khích, lo lắng và chăm sóc cho tôi ngày đêm. Vợ tôi đã mang đến cho tôi rất nhiều nghị lực, và "nàng" đã kiên trì, chịu đựng không biết bao nhiêu là gian nan, đúng với câu "đồng cam cộng khổ" cùng tôi trong những năm tháng dài chữa trị bệnh viêm gan C của tôi. Anh thành thật cám ơn Em và hai con.


Sự hỗ trợ tinh thần của gia đình và của tất cả bạn bè thân hữu trong gia đoạn tôi "vượt biên đi tìm tự do" thật là vô giá. Nhờ trãi qua cơn bệnh nầy, tôi đã tim lại được "tình người", "tình đồng hương", "tình đồng môn", và "tình bằng hữu" thật là sâu đậm và dễ thương mà bấy lâu nay tôi nghĩ là các tình nầy đã không còn hiện hữu trong cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.


Lời tâm sự cuối cùng là tôi thành thật cổ động tinh thần các bạn nào đã được bác sĩ "bật đèn xanh" để trị liệu, xin các bạn hãy mạnh dạn quyết định làm càng sớm càng tốt. Thời gian tính trong vấn đề nầy rất quan trọng, xin bạn đừng chờ nữa vì một số trong chúng ta đã chờ hơi lâu rồi. Đừng để lỡ "chuyến tầu", sau nầy hối tiếc thì đã muộn. Gia đình bạn và những người thân quen của bạn là những người sẽ cùng bạn "đi vượt biên", mọi người sẽ luôn luôn thông cảm và hỗ trợ tinh thần cho bạn. Bạn thật sự không lẻ loi đâu! Bạn còn có chúng tôi, những "cựu chiến binh" viêm gan C đã chiến đấu cho đến ngày tìm lại được "bến bờ tự do". Chúc bạn may mắn và thành công để sau nầy tiếp tay với chúng tôi để hỗ trợ tinh thần cho những người đi sau.


Little Saigon ngày 21 tháng 8 năm 2004


Phan Văn Tánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét