Chữa viêm gan siêu vi: Khổ do mù mờ thông tin
Diễn tiến của bệnh viêm gan siêu vi C.
Nghe nói đến viêm gan siêu vi, nhiều người không khỏi hoảng sợ vì liên tưởng đến những biến chứng của nó như xơ gan, ung thư gan. Do đó, khi biết mình nhiễm vi rút viêm gan, người ta thường quyết liệt chữa trị.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng được thông tin đầy đủ, chính xác về chi phí, lợi ích, tác dụng phụ… trước khi bắt đầu một liệu trình tốn kém và phức tạp
Năm 2002, chị V.T.N., 42 tuổi, ngụ tại Q.3, TP.HCM, đi thử máu và bác sĩ cho biết chị bị viêm gan siêu vi C. Mang kết quả đi khắp nơi hỏi thăm, nhiều bác sĩ lại nói chưa có gì rõ ràng. Nhưng khi mang đến một cơ sở điều trị có tiếng, chị N. lại được bác sĩ đề nghị chữa trọn gói 6 tháng với chi phí… 10.000 USD và còn nói thêm nếu không chữa thì nguy cơ ung thư rất cao. Không kham nổi số tiền quá lớn, chị N. đành sống chung với bệnh, nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Không phải giai đoạn nào cũng điều trị
Cách đây ba tháng, trên blog của chị, người ta có thể đọc được những dòng tâm sự: “Nhiều năm trời, tôi như mang trên người gông cùm, luôn hoang mang, lo lắng về những gì bác sĩ nói”. Tháng qua, tình cờ quen một bác sĩ nội khoa, chị N. được đề nghị làm xét nghiệm định tính vi rút C trong máu. Kết quả từ Pháp (với độ nhạy rất cao) gởi về cho thấy kết quả âm tính, không có vi rút trong máu. Thế là sau 6 năm, chị đã được giải thoát khỏi “gông cùm” bệnh tật.
Cố tình thông tin không đầy đủ hoặc cường điệu nguy cơ cho bệnh nhân đang là một thực trạng của giới điều trị hiện nay ở nước ta, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị viêm gan siêu vi. Không phủ nhận viêm gan siêu vi là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng hiện nay ở Việt Nam khi một số khảo sát cho thấy tỷ lệ người mắc viêm gan siêu vi B là 10 - 20% và siêu vi C 1,8 - 4%. Và cũng không phủ nhận nếu không điều trị, bệnh chuyển thành mạn tính, từ đó có thể biến chứng sang xơ gan hoặc ung thư gan sau một thời gian dài.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các hiệp hội bệnh gan Hoa Kỳ, Âu châu, Đông Nam Á, chỉ một thiểu số bệnh nhân viêm gan siêu vi B có đáp ứng với thuốc đặc trị diệt siêu vi. Cụ thể, chỉ 5 - 10% dạng viêm gan siêu vi B mạn là có đáp ứng với thuốc đặc trị, 90% còn lại vi rút ở giai đoạn không hoạt động, có điều trị cũng vô ích vì mục tiêu điều trị cũng chỉ nhắm đến việc đưa bệnh đến giai đoạn không hoạt động là đã quá tốt.
Trong khi đó, đối với viêm gan siêu vi C, kết quả điều trị thường tốt và có nhiều lợi ích rõ rệt hơn so với điều trị viêm gan siêu vi B. Tuy nhiên, vì thuốc đắt tiền, nhiều tác dụng phụ và tỷ lệ lành bệnh không phải lúc nào cũng chắc chắn 100% nên có thể tạm trì hoãn điều trị nếu xét nghiệm cho thấy gan chưa bị xơ hoá nghiêm trọng (xác định bằng sinh thiết gan), bệnh nhân có những yếu tố tiên lượng đáp ứng không thật tối ưu (lớn tuổi, genotype 1, mập phì, có nhiều bệnh lý khác đi kèm…). Tuy nhiên, việc trì hoãn điều trị này vẫn phải được theo dõi sát sao để điều trị ngay bằng thuốc đặc trị một khi gan có diễn tiến xấu.
Tiến triển thật sự của viêm gan siêu vi
Theo TS.BS Đinh Dạ Lý Hương, chuyên khoa gan mật, đa số bệnh nhân nhiễm siêu vi C không thể tự loại trừ mầm bệnh khỏi cơ thể và trở thành người mang siêu vi C mạn tính. Trong đó, 25% bệnh nhân có men gan bình thường, chậm tiến triển sang viêm gan mạn và gan ít bị hư hại, được gọi là “người mang siêu vi C mạn không triệu chứng”. Số bệnh nhân còn lại chuyển thành viêm gan C mạn tính, và sau 10 - 20 năm, ít nhất 20% trong số họ sẽ bị xơ gan. Xơ gan sẽ sớm hơn nếu bệnh nhân uống rượu nhiều hoặc gan bị hư hại thêm do thuốc hoặc nhiễm thêm các siêu vi viêm gan khác như siêu vi B, D hay HIV. Còn đối với người nhiễm siêu vi B, chỉ có khoảng 10% số họ trở thành người mang siêu vi mạn. Khoảng 20% ca viêm gan B mạn tiến triển sang xơ gan và mỗi năm có 2,5% bệnh nhân này có nguy cơ bị ung thư gan.Khánh kiệt vì điều trị
Năm 2006, sau một đợt sốt, anh T.B.T., ngụ tại Bình Thạnh, TP.HCM xét nghiệm máu và phát hiện bị viêm gan siêu vi C mạn tính. Đến một bệnh viện chuyên khoa, anh được bác sĩ tư vấn: “Anh có tiền thế nào, tôi chữa anh thế đó(!?)”. Chọn một loại thuốc vừa túi tiền chữa trị, sau 6 tháng, kết quả thật ấn tượng với anh T. khi xét nghiệm vi rút trong máu từ 1,3 triệu con/đơn vị còn 100 ngàn con/đơn vị. Nhưng sau 12 tháng, xét nghiệm lại cho thấy vi rút bùng phát như cũ, chứng tỏ điều trị thất bại. Lẽ ra, nguy cơ thất bại này phải được đánh giá trước và trong khi điều trị để thông báo cho bệnh nhân, tránh tốn kém không cần thiết.
Trường hợp của anh C. tai hại hơn nhiều. Bị viêm gan siêu vi B mạn tính, anh được một bác sĩ gần nhà “tư vấn” chữa một loại thuốc đắt tiền, chi phí 1.000 USD/tháng, với cam đoan sẽ hết bệnh sau 6 tháng. Về nhà gom hết tiền bạc chỉ được 4.000 USD, anh quay lại bác sĩ, vị này cũng nhận chữa. Sau 4 tháng điều trị, khi ngưng thuốc, xét nghiệm lại anh C. thấy bệnh mình… vẫn như cũ.
Một bác sĩ lâu năm trong ngành gan mật tiết lộ, điều trị viêm gan siêu vi thường phức tạp và tốn kém nên phải cân nhắc thật kỹ. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức hoặc muốn kiếm lợi, không ít bác sĩ đã chữa sai, vừa thiệt hại kinh tế cho bệnh nhân và còn có thể tạo ra tình trạng kháng thuốc.
TS. Trần Tịnh Hiền, Phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, cho biết: Cơ sở này tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân bán nhà bán cửa để chữa viêm gan siêu vi ở phòng mạch tư. Khi hết tiền, bệnh nhân tìm đến cơ sở y tế công lập mới biết bệnh của mình thực tế không cần uống thuốc mà chỉ cần xét nghiệm máu đều đặn để theo dõi diễn tiến bệnh.
Trong thực tế, điều trị viêm gan siêu vi đang là một dịch vụ “hái ra tiền” cho không ít thầy thuốc. Trường hợp anh T. kể trên, sau một năm điều trị thất bại, anh đã đến khám một bác sĩ khác. Ở đây, hàng tuần anh được đề nghị chích một loại thuốc có giá khoảng 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, do có người thân làm ở công ty dược, anh mua thuốc chỉ với 900 USD. Như thế bác sĩ đã hưởng lợi ít nhất 10% từ việc bán thuốc đặc trị, chưa kể lợi nhuận từ việc kê toa hàng đống thuốc “mát gan”, “bổ gan”, “hạ men gan”… “vô thưởng vô phạt” cho bệnh nhân, nhưng lại… “có thưởng” cho bác sĩ.
Theo Phan Sơn báo Sài Gòn tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét