Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2008

DICH VỤ CHỮA BỆNH NGOẠI QUỐC: "Cỗ máy" hút tiền người bệnh? (Theo VietNamNet)



Dịch vụ chữa bệnh ngoại quốc: "Cỗ máy" hút tiền người bệnh?
07:24' 13/08/2008 (GMT+7)
– Dự kiến tốn khoảng 10.000SGD cho việc đốt khối u trong gan, và vài ngày lưu lại Bệnh viện Mount Elizabeth, thuộc hệ thống Parkway Health ở Singapore. Thế nhưng, khi xuất viện, bệnh nhân đã phải chi hơn gấp 10 lần số tiền dự toán ban đầu.


TIN LIÊN QUAN:



Khi đã lựa chọn bệnh viện ở ngoại quốc là nơi để điều trị, đặc biệt với những bệnh viện có tiếng về chất lượng dịch vụ, bệnh nhân đã chấp nhận các khoản phí lớn gấp nhiều lần so với việc điều trị trong nước.
Thế nhưng, khi đã dính “guồng”, cả đại gia lắm tiền cũng không khỏi choáng váng với các khoản viện phí lớn từ trên trời rơi xuống, nằm ngoài dự tính, gánh nặng tiền chữa bệnh đè nặng lên tâm lý bệnh nhân và gia đình họ.
Viện phí "đội" 10 lần, bệnh nhân thành... con nợ
Trước khi sang Singapore điều trị, anh Nguyễn Văn Lộc được văn phòng đại diện Parkway Health tại TP.HCM cho hay, việc đốt khối u ở gan của anh, nếu có chỉ phải tốn 6.000–7.000USD (tương đương 9.000–10.000SGD).
Số viện phí trên, với một ông chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu nệm lò xo sang Mỹ, không phải là khoản tiền lớn, nên anh Lộc nhanh chóng quyết định sang Singapore chữa trị tại Bệnh viện Mount Elizabeth, nơi được cho là có dịch vụ tốt nhất trên đảo quốc sư tử.

Chi phí thực đội lên gấp 10 lần so với ban đầu, đã đẩy anh Lộc thành "con nợ" tại Singapore.
Nhưng sau khi được đưa vào tiến trình điều trị, vợ chồng anh Lộc phát hoảng với viện phí thực được đội lên gấp hơn 10 lần so với lời giới thiệu từ Việt Nam. Nhưng đã bị “dính” vào quá trình điều trị, trong đó có cả việc chữa ruột ngoài mong đợi, đã đẩy vợ chồng anh Lộc thành con nợ ở Singapore và bị giữ lại hộ chiếu.
Theo tường thuật của anh Lộc, chỉ tính chi phí trên hoá đơn, số tiền đã lên 101.000SGD (1SGD = 12.000 đồng). Trong đó, anh Lộc chỉ mới đóng cho bệnh viện 63.000SGD, còn nợ 38.000SGD. Số viện phí anh Lộc đã đóng, có 2/3 là chi phí chữa trị ruột, do chính bệnh viện gây ra bệnh cho anh.
Anh Lộc kể: “Những ngày nằm tại bệnh viện chữa thủng ruột do ảnh hưởng tiến trình đốt u ở gan, chi phí ngoài ý muốn đội lên khủng khiếp, nhưng phải chấp nhận, bởi không thể có lựa chọn khác, khi bệnh tình đang chữa dở dang.
Như trong thời gian chữa vết thương, chống nhiễm trùng ở ruột, người ta đưa vào người tôi 3 cục hoá chất, mỗi cục như vậy họ báo cho biết có giá 3.000SGD, nhưng chỉ mới sử dụng được 20% họ đã thay cục khác, cứ thế tôi phải mất thêm 9.000SGD một cách hết sức vô lý”.
Việc gây ra hậu quả thủng ruột ngoài ý muốn trong quá trình điều trị đã không được bệnh viện thừa nhận, và bồi thường thiệt hại cho bệnh nhân, ngược lại, bệnh viện gần như tận thu tất cả các loại phí điều trị bệnh do chính họ gây ra.
“Họ (Bệnh viện Mount Elizabeth - PV) đã không có trách nhiệm gì với tôi, khi hậu quả ngày hôm nay do chính họ trực tiếp gây ra”, anh Lộc nói.
Lọt vào “ma trận”
Từ các thông tin anh Lộc cung cấp, chúng tôi đến Văn phòng đại diện của Parkway Health tại toà nhà 37 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM. Văn phòng nhỏ thó tại số 224, ở tầng 2, với khoảng 3 cô nhân viên và vị trưởng phòng đại diện tên Dương Phong Nghi.
Hầu hết các vị khách hàng đến văn phòng Parkway Health tại TP.HCM đều có dấu hiệu, hoặc vấn đề về bệnh ung thư. Bệnh nhân được sự tư vấn nhiệt tình, trực tiếp của vị trưởng văn phòng đại diện tên Nghi.
Sau khi nghe bệnh nhân khái quát về bệnh án, ông Nghi bắt đầu tư vấn cho khách hàng. Việc quyết định có, hay không sang các bệnh viện trong hệ thống của Parkway Health ở Singapore điều trị là thuộc về khách hàng. Tuy nhiên, với cách tư vấn như tiếp thị, hiếm khách hàng nào thoát khỏi “ma trận” đã được giăng ra. Trong đó, anh Lộc là nạn nhân cụ thể.
Văn phòng đại diện của Parkway Health tại TP.HCM.
Mặc dù không có chuyên môn hay nghiêp vụ về bệnh ung thư, thế nhưng, ông Nghi vẫn tư vấn và thuyết phục với khách hàng về bệnh ung thư và việc điều trị ung thư tại các bệnh viện ở Singapore mà ông đang làm đại diện tại TP.HCM.
Việc của ông Nghi là kéo các bệnh nhân, vừa là khách hàng đến với mình qua được Singapore, điều trị tại một trong các bệnh viện của Parkway Health. Những việc khác, văn phòng đại diện của ông Nghi hầu như giũ sạch trách nhiệm với khách hàng?
Trong những ngày qua, anh Lộc liên tục liên lạc với Văn phòng đại dịên của Parkway Health tại TP.HCM ở địa chỉ trên, để yêu cầu Bệnh viện Parkway Health nhận trách nhiệm về hậu quả họ đã gây ra với mình, thế nhưng anh Lộc vẫn không nhận được sự quan tâm đúng mực!?

Phan Công

Ý kiến độc giả

Độc giả: Nguyễn Thanh Hương41 Đồng Xoài, P.13, Tân Bình, HCMEmail: hungtqhydro@yahoo.com
Tôi mắc bệnh ung thư và đã có 3 năm kinh nghiệm trực tiếp điều trị tại bệnh viện ở Singapore vì vây tôi rất muốn chia xẻ thông tin và những kinh nghiệm cho những bệnh nhân khác hoặc những ai quan tâm, đặc biệt tôi muốn cung cấp thêm những thông tin về Parkway và BS Ang Peng Tiam. Tôi rất mong Vietnamnet đăng bài viết này của tôi để mọi người có thêm thông tin tham khảo. Đây không chỉ là ý kiến của riêng tôi mà của rất nhiều bệnh nhân người Việt cùng tôi chữa trị ở Singapore, hy vọng sẽ hữu ích cho những ai có ý định chữa bệnh ở Singapore.
Ba năm trước đây khi tôi được chuẩn đoán mắc bệnh ung thư, tôi đã mất một tuần đầu đi khám và tư vấn các bác sỹ ở BV Ung Bướu và BV Chợ Rẫy và nhận ra rằng, nếu chữa trị trong nước mình sẽ không có nhiều cơ may và quyết định ra nước ngoài chữa trị. Nói vậy có lẽ làm phật lòng các BS trong nước nhưng tôi tin rằng rất nhiều người trong hoàn cảnh như tôi cũng có chung nhận định như vậy, bởi vì bất cứ ai đã từng bước chân đến BV K ở Hà Nội hay BV Ung Bướu ở TP.HCM cũng sẽ phải tự đặt câu hỏi rằng với số lượng bệnh nhân đông kinh khủng và cở sở vật chất nghèo nàn lạc hậu như vậy, chất lượng đều trị có được đảm bảo?
Sau khi quyết định tìm đường ra nước ngoài chữa trị, tôi được giới thiệu đến văn phòng của tập đoàn Parkway và rất nhanh chóng sau đó hai ngày tôi đã có mặt tại phòng khám của BS Ang Peng Tiam, người được coi là một trong những BS danh giá nhất của tập đoàn. Từ đây tôi bắt đầu cuộc chiến của mình chống lại căn bệnh quái ác và song song với nó một cuộc chiến khốc liệt không kém bắt đầu, đó là tiền.
Thật may mắn tôi có được sự giúp đỡ của gia đình, bà con và bạn bè không chỉ động viên tinh thần mà còn giúp đỡ rất nhiều về tiền bạc, điều đó tạm thời giúp tôi vơi đi nỗi lo mà tập trung vào chữa trị. Tôi đã trải qua tám kỳ điều trị tại phòng khám (clinic) của BS Ang cho tới khi nhận thấy mình mình phải trả phí quá cao và quyết định chuyển sang BV khác.
Ngay từ lần điều trị đầu tiên, tôi đã cân nhắc về việc điều trị tại bệnh viện công tại Singapore, nhưng vì cho rằng sẽ gặp nhiều thủ tục rắc rối giống như các bệnh viện công ở Việt Nam, hơn nữa lúc đó quá bối rối và đặt niềm tin hoàn toàn vào BS Ang nên tôi đã không quan tâm đến những lựa chọn khác. Tuy nhiên, điều đáng nói là BS Ang tính phí quá cao mà không cần quan tâm đến hoàn cảnh của bệnh nhân. Sau này khi đã chuyển sang điều trị tại Bệnh viện National University Hospital (NUH) tôi so sánh lại những khoản phí trước đây trả cho BS Ang và thấy rằng tất cả các loại thuốc đều cao hơn gấp đôi hoặc gấp ba lấn, thậm chí có một vài loại thuốc giá cao hơn gấp bảy lần. Quả là một mức giá cắt cổ mà chỉ những người giàu có mới chịu nổi. Trong quá trình điều trị tôi biết một bệnh nhân đã điều trị liên tục trong gần 3 năm tại phòng khám của BS Ang với số tiền nhiều đến mức khó tin đến nỗi, chính BS Ang phải nói với bệnh nhân là nếu qui đổi số tiền đó ra vàng thì nặng tương đương với trọng lượng cơ thể bệnh nhân. Điều này hoàn toàn có thật bởi nếu thử nhẩm tính mỗi kỳ điều trị khoảng SD$15,000 – SD$20,000 x 17 kỳ/năm trong vòng 3 năm, cộng thêm các chi phí nằm viện, xét nghiệm, truyền máu… (chưa kể chi phí ăn ở đi lại).
Dĩ nhiên, đối với các bệnh nhẹ hơn chi phí sẽ thấp hơn, nhưng ít nhất cũng khoảng một nửa số tiền trên cho mỗi kỳ điều trị. BS Ang rất tự tin và rất giỏi thuyết phục nên ban đầu bệnh nhân hoàn toàn tin tưởng cho tới khi túi tiền vơi đi đáng kể và đối mặt với nguy cơ bị ngừng điều trị. Tôi cũng đã rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ban đầu BS nói với tôi chỉ cần điều trị trong 4 tháng với chi phí vừa phải, nhưng đến lần thứ hai thì chi phi tăng lên do những phát sinh thêm, đến lần thứ 4 thì BS nói phải đổi thuốc và dĩ nhiên tăng thêm chi phí. Việc thay đổi các phương án điều trị là bình thường nhưng sau này xem xét lại tôi biết rằng hoàn toàn nằm trong dự kiến và có thể tiên lượng trước được, chỉ có điều BS Ang không cho mình biết trước để chuẩn bị. Sau này khi chuyển sang BV khác điều trị tiếp, tôi vẫn còn ấm ức vì với số tiền đã trả cho BS Ang (cho cùng một phác đồ điều trị) tôi có thể lo đủ cho toàn bộ chi phí điều trị mà không phải vay mượn thêm. Tôi đã phải trả học phí quá cao, nhưng đó là câu chuyện 3 năm trước, tôi không muốn các bệnh nhân lặp lại bài học cũ của tôi.

Tại sao anh không nghĩ đến chuyện khởi kiện nhỉ? Bệnh do bệnh viện gây ra, ngoài việc không được tính viện phí họ còn phải bồi hòan tiền làm suy giảm sức khỏe nữa chứ. Tôi nghĩ anh nên tham khảo ý kiến luật sư.

Email: vuthithan@yahoo.com
Nhân đọc bài " Đi nuớc ngoài chữa bệnh", tôi thấy anh Lộc có đầy đủ chứng cứ (các xét nghiệm, sinh thiết của BV Singapore và của BV Mỹ) vậy là đã rõ nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh tật của anh hiện nay. Tại sao anh Lộc không khởi kiện BV Singapore để đòi bồi thuờng để lấy tiền điều trị các bệnh do họ gây ra? (Có thể kiện chi nhánh của họ ra toà ở VN).

Giấu tên
Tôi không hiểu anh Lộc đã kiện bệnh viện kia chưa? Nếu chưa thì nên làm ngay vì bệnh viện này đã sai phạm rõ rệt, không những anh Lộc không phải trả tiền viện phí cho một phẫu thuật không cần thiết, do họ tạo ra, mà họ còn phải đền bù những tổn thất về sức khoẻ, sự đau đớn thể xác, về thời gian và những thiệt hại kinh tế của anh do việc anh Lộc phải nằm viện dài ngày.

Độc giả: Phạm Vân Anh Hà Nội Email: maivu47@yahoo.com.vn
Tôi muốn chia sẻ cùng các Anh Lộc và các độc giả về kinh nghiệm đi chữa bệnh tại Singapore. Việc ra nước ngoài chữa bệnh là một quyết định rất quan trọng đối với từng trường hợp vì liên quan đến vấn đề tài chính. Tôi cũng đã đưa người nhà sang Bệnh viện Raffles, Singapore chữa cho người nhà bị U gan giống như Anh Lộc và chi phi cũng giống như ban đầu của ông Trưởng Đại Diện tư vấn khoảng 8,000 đô la Singapore. Tôi đã qua tổ chức của VietSingCorp ( VP đại diện BV Raffles), văn phòng ở đây không quảng cáo hoàng tráng như Parkway nhưng thái độ nhiệt tình với bệnh nhân cả hai đầu Việt Nam và Singapore đã làm cho chúng tôi yên tâm rất nhiều.
Điều đặc biệt là các anh chị trong tổ chức này là những người đã có kinh nghiệm hỗ trợ bệnh nhân rất lâu và đang làm việc tại các bệnh viện tại Singapore, cho nên có thể tìm được bác sỹ tốt và tư vấn cho bệnh nhân kế hoạch cụ thể và biết cách giảm thiểu tối đa chi phí cho bệnh nhân. Tôi cũng chia sẻ rằng không phải ai sang Sing cũng được toại nguyện vì nền y tế Singapore không phải thần thánh gì, nhưng họ hơn chúng ta về trang thiết bị, chuyên môn đồng đều và bác sỹ ở đây được update kiến thức liên tục.
Hiện nay, người nhà tôi sức khoẻ rất tốt, điều tôi muốn chia sẻ với các độc giả là nên chọn tổ chức nào có kinh nghiệm hỗ trợ bệnh nhân, và làm phải có tâm với bệnh nhân.

Email: hairealtor@yahoo.com
Tôi ở Mỹ về VN được một tháng, sau khi đọc bài viết này, tôi cũng muốn bày tỏ bức xúc của mình về cách làm việc của BV Mount Elizabeth. Hơn một năm trước, bố vợ tôi bị phát hiện ung thư gan và gia đình tôi đã quyết định cho ông sang bệnh viện này để chữa trị. Chi phí chữa trị khoảng 40.000 USD. Khi xuất viện, BV nói đã chữa trị xong, nhưng bố vợ tôi vừa qua Mỹ được một tháng sau thì bệnh là tái phát.
Ông đã vào bệnh viện của Mỹ song không thể cứu chữa vì ung thư đã vào thời kỳ cuối. Bố tôi chết 2 tháng say đó. Các bác sĩ Mỹ nói rằng không có cách nào chữa bệnh ung thư gan cả, nhưng các bác sĩ Singapore đã nói dối để gia đình tôi yên lòng, không thông báo về tình trạng bệnh tình thật của bố tôi.
Tôi không trách BV Elizabeth không cứu được bố tôi, nhưng trách là bệnh viện đã không trung thực. Tôi đang ở VN, vì 18/8 này là ngày giỗ một năm của bố vợ tôi.
GS. BS Nguyễn Chấn Hùng - giám đốc BV Ung bướu TP.HCM - cho biết:
"Có thể hiểu biết cơ bản của BS ở Singapore tốt hơn nhưng kinh nghiệm thực tế của mình vững vàng hơn, phương pháp xử lý điều trị của mình tốt hơn do mình làm nhiều hơn.
BN không biết ở nước ngoài có thuốc gì trị ung thư thì tại VN có thuốc đó. Thật ra, với bệnh ung thư nếu BN được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm thì kết quả điều trị ở nước ngoài ngang bằng với BV Ung bướu. Nhưng nếu bệnh đã vào giai đoạn trễ thì ở nước ngoài điều trị kết quả cũng xấu ngang với chúng ta. Chúng tôi chỉ tiếc cơ sở vật chất quá chật hẹp, xuống cấp nên không thể tiếp đón BN được tươm tất, chu đáo như ở nước ngoài".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét