Pages

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2008

SỰ QUAN TRỌNG VỀ ĐỘ NHẠY CỦA XÉT NGHIỆM HCV-RNA

Không phát hiện được vi rút viêm gan C trong máu khi điều trị, ngay cả khi sử dụng phương pháp xét nghiệm chuẩn định tính HCV-RNA (giới hạn phát hiện ≥ 50 IU/mL) thì không có nghĩa thực chất là đã hoàn toàn loại trừ hết vi rút khỏi máu. Bây giờ có phương pháp mới nhạy hơn đang được áp dụng (ví dụ như: Transcription-mediated amplification [TMA] hoặc real-time PCR với giới hạn phát hiện < 10 IU/mL), một tỉ lệ bệnh nhân có ý nghĩa phát hiện được có vi rút trong máu mà những người này trước đó không phát hiện được vi rút trong máu bằng phương pháp xét nghiệm chuẩn. Điều này gợi ý rằng những bệnh nhân tái phát có thể là những người mà trước đó không đáp ứng do nồng độ vi rút của họ thấp mà kỹ thuật trước kia không phát hiện được(số lượng vi rút ít còn lại).
Như vậy điều quan trọng là sự phát hiện số lượng vi rút ít còn lại tại tuần thứ 12 là một yếu tố dự đoán quan trọng của sự tái phát về sau. Morishima và cộng sự đã cung cấp bằng chứng tất cả những bệnh nhân phát hiện số lượng vi rút ít còn lại tại tuần thứ 12 mà vẫn còn phát hiện ở tuần thứ 20 thì đã tái phát. Sự sử dụng những xét nghiệm HCV RNA có độ nhạy cao để xác định chiến lược điều trị cụ thể thì vì thế không thể thiếu.


Mọi thắc mắc vui lòng xin liên hệ : 0973332733

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2008

CHỮA BỆNH Ở SINGAPORE : COI CHỪNG "CHÉM ĐẸP" !

Theo báo Thanh niên 24/10/2008 23:16

Có quá nhiều phàn nàn về việc tính phí vô tội vạ tại các bệnh viện tư ở Singapore, đến mức bác sĩ Lee Wei Ling, Giám đốc Viện Khoa học thần kinh quốc gia tại bệnh viện công Tan Tock Seng, đã lên tiếng yêu cầu khôi phục lại "Quy định về thu phí" ở bệnh viện tư bị bãi bỏ cách đây vài năm.
Bà Lee Wei Ling, chuyên gia về thần kinh, Giám đốc Viện Khoa học thần kinh quốc gia tại bệnh viện công Tan Tock Seng, cũng là em gái Thủ tướng Lý Hiển Long đã lên tiếng bằng một bài viết lớn trong mục "Cố vấn" (Think-tank) hằng tuần của báo Straits Times, tờ báo uy tín nhất Singapore, ngày 15.10. Theo bà Lee, trước năm 2006, Hiệp hội Y tế Singapore (SMA), tổ chức đại diện số đông bác sĩ tại tất cả bệnh viện công và tư của nước này, có một "Quy định về thu phí" (GoF) áp dụng tại các bệnh viện tư. GoF đưa ra biểu phí tham khảo cho công khám bệnh của bác sĩ cũng như các thủ thuật chẩn đoán, điều trị.
Theo đó, bác sĩ và bệnh viện có thể thu của bệnh nhân cao hơn mức tham khảo, nhưng việc đó phải được thông báo trước. Điều đó giúp bệnh nhân dự tính trước được chi phí để cân nhắc chọn lựa, cũng như có quyền mong đợi một kết quả mỹ mãn từ việc bị thu phí cao. Dù vậy, đôi khi vẫn có trường hợp bệnh nhân chỉ biết mình bị tính phí cao hơn mức của GoF khi nhận giấy báo tính tiền, và họ phàn nàn với SMA. Cơ quan này khi đó yêu cầu bác sĩ chứng minh khoản phí thu cao, nếu không thỏa đáng, bác sĩ bị yêu cầu trả lại phần thu vượt. GoF được áp dụng từ năm 1987, qua nhiều lần điều chỉnh, và góp phần đáng kể vào việc bảo vệ bệnh nhân.
Thế nhưng trong năm 2006, SMA bãi bỏ GoF với lập luận rằng quy định này mâu thuẫn với Luật cạnh tranh. "Nực cười là mục tiêu của Luật cạnh tranh là nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc trả giá quá cao bằng cách để thị trường định giá. Và GoF được thiết kế đúng mục tiêu đó, bởi bác sĩ và bệnh nhân là hai đối tượng không bình đẳng trong việc nắm giữ thông tin", bà Lee lý luận về sự cần thiết của GoF.
Theo bà, cơ chế định giá theo thị trường tự do chỉ hiệu quả khi người bán và người mua nắm thông tin ngang nhau. Rõ ràng trong lĩnh vực y tế, bác sĩ nắm giữ nhiều thông tin hơn, và vì thế dịch vụ y tế không thể được coi như những hàng hóa khác. Phần lớn bệnh nhân không có điều kiện, thời gian để tìm hiểu về bác sĩ, bệnh viện và giá cả mỗi nơi ra sao khi họ ngã bệnh. Bệnh nhân nước ngoài thì càng hạn chế về điều này. Bác sĩ, vì vậy, nắm quyền định đoạt đối với bệnh nhân.
Từ khi GoF mất hiệu lực, việc tính phí của bác sĩ ở bệnh viện tư diễn ra tùy tiện. "Bác sĩ bây giờ thu phí cao đến mức nào mà họ nghĩ họ có thể "vắt" được từ bệnh nhân. Thường thì mức thu phụ thuộc bề ngoài của bệnh nhân như áo quần, trang sức, bệnh nhân có mua bảo hiểm y tế hay không. Bệnh nhân nước ngoài lại càng là đối tượng bị "chém đẹp" bởi họ không có nhiều thông tin", bà Lee nêu thực trạng như vậy. "Tôi từng trực tiếp nghe một bệnh nhân Indonesia than phiền là phải trả 100.000 SGD cho việc phẫu thuật cắt bỏ túi mật, thủ thuật khá đơn giản này thông thường có giá chỉ 10.000 SGD. Đã có quá đủ những trường hợp đáng xấu hổ như vậy xảy ra, và một số bệnh viện tư đã "nổi tiếng" vì việc này", bà Lee viết. Bà Lee cũng đề cập trường hợp bác sĩ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm, chụp phim không cần thiết, mà bệnh nhân thì không thể từ chối. Ở bệnh viện công, các loại phí do Bộ Y tế quy định, vì vậy bác sĩ không thể tùy tiện đối với bệnh nhân.
Bà Lee còn nói rằng: "Chính phủ đang muốn quảng bá dịch vụ du lịch y tế. Nhưng tin xấu về việc lạm thu của các bệnh viện đang lan truyền nhanh chóng ở nước ngoài. Lòng tham sẽ giết chết "con ngỗng vàng" du lịch y tế trước khi nó kịp đẻ trứng". Bà cũng nói rằng việc lạm thu của những bác sĩ lớp trước sẽ gây hại đến những thế hệ bác sĩ trẻ khi họ đi vào những bệnh viện tư. Đã có một sự xuống dốc về y đức. Không chỉ lạm thu, các bác sĩ còn cố tình giới thiệu bệnh nhân đến những bác sĩ quen biết của mình để thực hiện những xét nghiệm, những điều trị đắt tiền, không cần thiết, thậm chí gây hại cho bệnh nhân.

Thục Minh (Văn phòng Singapore)