Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2007

Viêm gan siêu vi B - Photo


Viêm gan siêu vi C - Photo


Viêm gan siêu vi C- "Tên sát nhân" thầm lặng

Nên xét nghiệm vi-rút viêm gan C khi đi khám sức khỏe. Viêm gan vi-rút C được nhận biết như "một căn bệnh thầm lặng" vì nhiều người bị nhiễm không cảm thấy mình bị bệnh và cũng không biết mình đã bị nhiễm vi-rút, ngay cả bác sĩ cũng khó có thể chẩn đoán chính xác. Vì vậy việc xét nghiệm vi-rút viêm gan C khi đi khám sức khỏe là hết sức cần thiết.

Viêm gan siêu vi C là gì?

Vi-rút viêm gan C được phát hiện lần đầu năm 1989, là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh viêm gan mạn tính trên thế giới. Có khoảng 170 triệu người trên thế giới bị nhiễm vi-rút viêm gan siêu vi C, chiếm tỷ lệ trung bình vào khoảng 3%. Ở Việt Nam theo nghiên cứu của Hội Gan mật, tỷ lệ người nhiễm vi-rút viêm gan C vào khoảng 1,8-4% dân số. Nhưng chỉ một phần rất nhỏ những người này hiện đang được điều trị. Theo các chuyên gia về dịch tễ học, vi-rút viêm gan C chiếm khoảng 20% các trường hợp viêm gan cấp tính, 70% trường hợp viêm gan mạn tính, 40% trường hợp xơ gan giai đoạn cuối, 60% trường hợp ung thư gan và trong 30% trường hợp ghép gan.

Tại sao lại bị viêm gan siêu vi C?

Sự lây nhiễm của vi-rút viêm gan C chủ yếu qua đường máu. Những đường lây nhiễm vi-rút viêm gan C quan trọng là:
- Truyền máu hoặc các sản phẩm từ máu có nhiễm vi-rút viêm gan C: thường là những trường hợp truyền máu trước năm 1991.
- Dùng chung kim tiêm có nhiễm vi-rút viêm gan C như tiêm chích ma túy.
- Xăm mình, xỏ lỗ tai với vật dụng không được khử trùng hoặc khử trùng không đúng cách.
- Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ cắt móng tay, móng chân.
- Nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh phẩm chứa vi-rút viêm gan C trong quá trình làm việc.
- Lây từ mẹ sang con, nhưng với tỷ lệ thấp.
- Lây qua đường tình dục với tỷ lệ thấp nhưng không phải là không đáng kể, nhất là những người có tổn thương niêm mạc, hoặc quan hệ trong thời gian hành kinh.
- Ngoài ra, có một tỷ lệ đáng kể bị nhiễm vi-rút viêm gan C không rõ nguyên nhân.

"Tên sát nhân" thầm lặng

Viêm gan vi-rút C được nhận biết như "một căn bệnh thầm lặng" vì nhiều người bị nhiễm không cảm thấy mình bị bệnh và cũng không biết mình đã bị nhiễm vi-rút. Một số người chỉ có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nước tiểu sậm màu... và một số triệu chứng: đau cơ, đau khớp, viêm khớp, đổ mồ hôi đêm, ngứa da, mắt khô, loét miệng, hạch lớn. Chẩn đoán bệnh viêm gan siêu vi C chủ yếu dựa vào xét nghiệm. Khoảng 85% trường hợp nhiễm vi-rút viêm gan C sẽ chuyển sang viêm gan mạn tính.
Những người bị viêm gan vi-rút C có tốc độ suy giảm chức năng gan rất khác nhau, ngay cả bác sĩ cũng khó có thể chẩn đoán chính xác. Hiện nay, các chuyên gia ghi nhận một số yếu tố có thể làm bệnh tiến triển nhanh hơn như: nhiễm vi-rút ở người lớn tuổi, bệnh nhân uống rượu, nhiễm đồng thời với vi-rút viêm gan B, nhiễm đồng thời với vi-rút HIV, nhiễm bệnh ở những người tiểu đường, béo phì, gan thoái hóa mỡ, hút thuốc...
Hậu quả chính của viêm gan mạn tính do vi-rút viêm gan C là tiến triển tới xơ gan và những biến chứng: xuất huyết tiêu hóa, suy gan và ung thư gan nguyên phát. Nhiều trường hợp bệnh chỉ được phát hiện ở giai đoạn cuối là xơ gan. Khi đã bị xơ, gan khó hồi phục lại, cho dù tình trạng viêm có thuyên giảm. Vì vậy, nên xét nghiệm vi-rút viêm gan C khi đi khám sức khỏe. Vì những hậu quả nặng nề của bệnh ở giai đoạn trễ, nên cố gắng chẩn đoán và điều trị trước khi bị xơ gan là điều quan trọng nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển sang giai đoạn xơ gan.

Bệnh có chữa khỏi không?

Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, tuy nhiên chi phí điều trị hiện nay khá cao do phải sử dụng các loại biệt dược điều trị đắt tiền. Vì vậy, tốt nhất phải phòng ngừa đừng để lây bệnh.
Việc điều trị có 2 mục tiêu: Chữa khỏi bệnh bằng cách loại vi-rút ra khỏi cơ thể. Nếu không đạt được thì trì hoãn hoặc làm ngừng tiến triển bệnh. Tỷ lệ điều trị thành công không phải lúc nào cũng đạt 100% mà dao động từ 46% đến 76% tùy theo từng kiểu gen khác nhau. Tác dụng phụ trong lúc điều trị nhiều và phức tạp nên khi bị viêm gan vi-rút C mạn tính, bệnh nhân cần được khám, tư vấn, điều trị và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa.
Hiện nay chưa có vắc-xin để chích ngừa hiệu quả viêm gan siêu vi C, do đó việc phòng ngừa lây nhiễm vi-rút viêm gan C vẫn dựa trên những biện pháp cổ điển nhằm tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của người bị nhiễm vi-rút viêm gan C, đồng thời phát hiện và chữa trị cho bệnh nhân viêm gan siêu vi C mạn để hạn chế nguồn lây bệnh.

BS Nguyễn Phi Hùng
phihungmd@yahoo.com.vn


Mọi thắc mắc vui lòng xin liên hệ : 0973332733